HỘI THẢO VỀ CHIẾN LƯỢC AN NINH - QUỐC PHÒNG Ở CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Đăng vào 21/08/2017 14:50

Cuối năm 2016 vừa qua tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Chiến lược quốc phòng và an ninh khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương”.

Tham dự hội thảo có đông đảo học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị, các nhà ngoại giao đến từ các nước Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Việt Nam…

hoi thao ve chien luoc an ninh quoc phong o chau a thai binh duong hinh 1
Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng trình bày tham luận tại hội thảo.

 

Tại hội thảo, các tham luận tập trung phân tích, đánh giá về chiến lược quốc phòng của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thực trạng các vấn đề nóng, như tranh chấp Biển Đông, xung đột Ấn Độ - Pakistan…, những tác động, ảnh hưởng tới an ninh khu vực; quan điểm, lập trường của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đối với các điểm nóng trong khu vực.

Trong đó vấn đề Biển Đông là chủ đề mà các tham luận, ý kiến đều đề cập tới.

Các học giả đã phân tích, dự báo về chính sách tái cân bằng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump chính thức nắm quyền, sẽ tác động nhiều đến tình hình Biển Đông ra sao; đánh giá cao vai trò hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước lớn nhằm đảm bảo an ninh khu vực. Trên cơ sở đó, Hội thảo kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) đối với tranh chấp Biển Đông, tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh khu vực.

Trình bày tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng - Phó Viện trưởng Viện Luật So sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã khái quát tình tình tranh chấp tại Biển Đông; các quy định của luật pháp quốc tế đối với biển đảo.

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng nêu rõ lập trường, quan điểm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình; khẳng định Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền phán quyết đối với các vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982. Đồng thời kêu gọi các bên liên quan tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hoạt động cải tạo, quân sự hóa những khu vực tranh chấp.

Kết thúc phần tranh luận, các học giả đều nhận định, tranh chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp nhất hiện nay của khu vực và trên thế giới, lo ngại ảnh hưởng tới tự do hàng hải và hàng không, thách thức đến an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các học giả mong muốn các nước trong khu vực, nhất là các nước có tranh chấp tại Biển Đông tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài PCA, mới đảm bảo hòa bình, ổn định cùng phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.

Xem bài viết chi tiết tại đây