HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ TRONG ĐÀM PHÁN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ (COC) VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP Ở BIỂN ĐÔNG

Đăng vào 21/08/2017 14:29

Ngày 10/8/2017, tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra hội thảo về vai trò của luật pháp quốc tế trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Hội thảo do Trung tâm Đức - Đông Nam Á, Đại học Thammasat (CPG) tổ chức.

Bo quy tac ung xu o Bien Dong phai tro thanh cong cu rang buoc phap ly - Anh 1

                                 Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Henning Glaser, Giám đốc CPG, đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở Biển Đông và lợi ích của các bên liên quan, khẳng định Biển Đông có vai trò quan trọng về địa chính trị, là nơi tập trung lợi ích của Trung Quốc, các quốc gia duyên hải và với các nước lớn khác như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản... ASEAN và Trung Quốc thông qua dự thảo khung COC là một bước phát triển tích cực hướng tới giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, COC có phải là một công cụ ràng buộc pháp lý hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.

Trong bài phát biểu chính tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Viện Trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã làm rõ bản chất của các tranh chấp dưới góc độ luật pháp quốc tế, khẳng định các nước tranh chấp có các quyền và trách nhiệm theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), song việc bồi đắp các đảo nhân tạo sẽ không làm thay đổi hiện trạng pháp lý của các thực thể ở Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung COC có chứa đựng các quy tắc định hướng cách ứng xử của các bên với mục đích thúc đẩy xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, đồng thời cũng nhằm ngăn chặn và quản lý các sự cố xảy ra, đảm bảo an ninh hàng hải, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Tiến sỹ Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, ASEAN và Trung Quốc cần xác định COC là một công cụ ràng buộc pháp lý, sớm xác định lộ trình đàm phán nội dung COC, trong khi đó tiếp tục theo đuổi các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Kết luận hội thảo, Tiến sỹ Henning Glaser nhấn mạnh, hội thảo đã cho thấy rõ bản chất của các tranh chấp dưới góc độ luật pháp quốc tế cũng như bức tranh toàn cảnh về tình hình Biển Đông hiện nay, mong muốn ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được một COC có tính ràng buộc pháp lý.

Diễn ra ngay sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan tại Philippines, hội thảo đã nhận được sự quan tâm và sự tham gia của nhiều học giả, quan chức ngoại giao, báo giới, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học.

Nguồn bài viết cụ thể xem tại đây